Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Hà Thị Lan trong buổi chiều ngày 31 tháng 10, ông Trần Hồng Hà – bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường đã chỉ ra lỗ hổng trong nhập khẩu phế liệu và cũng khẳng định vấn đề này giải quyết không khó. Nếu mọi thứ trong tầm tay, có thể xử lý gọn nhẹ thì đó chính là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh lộn xộn hiện nay.
Chiều ngày 31/7/2018, bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, ông Trần Hồng Hà, đã nhận được câu hỏi chất vấn về vấn đề nhập khẩu phế liệu đang nóng hiện nay. Cụ thể, đại biểu Quốc hội Hà Thị Lan thuộc đoàn Bắc Giang đã nêu câu hỏi: “Vừa qua hàng trăm container chứa rác thải không có người đến nhận nằm tại các cảng trong cả nước, biến nước ta có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. Lỗ hổng nào để xảy ra tình trạng này và những biện pháp ngăn chặn sự việc tái diễn?”
Là điều rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng như người dân nói chung đang quan tâm, muốn biết câu trả lời. Không chỉ cần biết đâu là lỗ hổng gây ra tình trạng ứ đọng hàng phế liệu nhập khẩu mà giải pháp của vấn đề này cũng cần được vạch ra thỏa đáng. Ông Trần Hồng Hà phát biểu rằng các hành lang pháp lý đã đầy đủ nhưng lỗ hổng chính là chưa kiểm soát được hàng hóa trước khi chúng được đưa vào lãnh thổ nước ta.
Ngoài ra, chưa có một cơ chế để các cơ quan gác cổng phối hợp với những cơ quan có chức năng quản lý, kiểm soát nhằm có sự ăn ý chặt chẽ, dẫn đến rời rạc và dễ bị lợi dụng. Ông cũng cho biết, không phải là cơ quan chức năng không biết hay không chủ động, mà thực tế họ đã biết trước, thủ tướng đã chỉ đạo bộ Tài nguyên và môi trường tham mưu chính sách phòng ngừa từ xa.
Bộ trưởng khẳng định “giải quyết vấn đề này không khó”. Một khi đã nắm được căn nguyên, thiết nghĩ các cơ quan đầu não sẽ dễ dàng trong việc tháo bỏ. Vị tư lệnh ngành Tài nguyên và môi trường nhấn mạnh rằng chắc chắn số hàng hóa phế liệu nhập khẩu bị tồn đọng tại các cảng có chủ và Bộ công an đã chọn ra được một số đối tượng để truy nã về tội nhập lậu. Do vậy mà việc kiểm soát các container hàng là trong tầm tay.
Hiện nay, trong số những container phế liệu tồn lưu kho thì có đến 58% của chúng là không có giấy tờ hợp pháp, không đủ điều kiện thông quan. Về hướng xử lý, bộ Tài nguyên và môi trường đã tham mưu chính phủ về yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải bỏ chi phí ra chi trả cho việc tái xuất.
Đối với hơn 58% container nhập lậu không có giấy tờ hợp pháp thì chắc chắn sẽ có biện pháp cứng rắn để xử phạt nhằm răn đe và tạo tiền đề. Trong những lượng hàng vi phạm đó không chỉ có phế liệu mà còn chứa rác, không đảm bảo vệ sinh môi trường khi nhập về Việt Nam và có thể biến chúng ta trở thành nơi chứa đồ bỏ đi của nước khác.
Hiện tại, có tình trạng các lô hàng đang chất lên rất nhiều nhưng lại chồng chéo trong giám định. Cụ thể là có trường hợp đến hai cơ quan giám định đối với một doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Ông Trần Hồng Hà đặt niềm tin trong vòng 2 tháng sẽ giải phóng được số lượng container đang tồn ở các cảng. Việc này nhà nước không phải bỏ tiền ra vì các doanh nghiệp có thể sử dụng hàng để bán đấu giá để bù đắp chi phí và xử lý chất thải.
Đại biểu Trần Văn Minh của đoàn Quảng Ninh trong cuộc họp cũng phát biểu ý kiến cho rằng cử tri lo ngại trong số các container tồn đọng ở cảng có nhiều chiếc đang chứa chất thải nguy hại. Chúng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nặng nề nếu không nhanh chóng có phương án xử lý thích đáng và thiết thực.
Song song với điều lo lắng này, ông Trần Văn Minh cho rằng không thấy thỏa đáng sau phần trả lời chất vấn của bộ trưởng bộ Tài Nguyên và môi trường. Đại diện này cho biết thông tin bộ trưởng nêu ra chủ yếu là giải quyết vụ việc chứ chưa bao quát vấn đề. Vì vậy ông đề nghị thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải làm rõ hơn vấn đề theo trách nhiệm đứng đầu một chính phủ nhà nước.
Mặc dù đã “chỉ đích danh” được lỗ hổng trong khâu phối hợp quản lý của các cơ quan chức năng là nguyên nhân để nhiều doanh nghiệp làm ăn không hợp pháp lợi dụng nhập khẩu phế liệu trái phép nhưng dường như một số ý kiến vẫn cho rằng lời giải thích này chưa thỏa đáng.
Trong thời gian tới, cụ thể là cho đến trước tết Kỷ Hợi này, chúng ta có thể chờ đợi kết quả một tình hình khả quan hơn theo lời khẳng định của bộ trưởng bộ Tài Nguyên và môi trường. Bởi chính vị tư lệnh ngành này đã nhấn mạnh trong họp báo rằng họ sẽ giải quyết nhanh chóng trong vòng 2 tháng và rằng việc xử lý vấn đề hàng phế liệu tồn đọng ở các cảng Việt Nam là “trong tầm tay”. Các doanh nghiệp có thể hi vọng hàng hóa được giải phóng phục vụ nguyên liệu đầy đủ cho sản xuất và các hoạt động của doanh nghiệp mình sẽ lại đi vào quy củ.